Sáng 26/10, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt – RPMU, thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) cùng 5 đồng phạm về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Phiên toà do thẩm phán Trương Việt Toàn làm chủ toạ. Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho các bị cáo có 8 luật sư. Hàng chục cảnh sát được huy động bảo vệ phiên xử ngay từ phía ngoài cổng tòa. Người thân các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tòa khá đông.
Người tham gia phiên toà làm thủ tục vào phòng xử.
Các bị cáo hầu tòa gồm: Phạm Hải Bằng, Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc Ban Quản lý các Dự án đường sắt – RPMU, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU), Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU) và Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU).
9h15, đại diện VKSND Hà Nội công bố cáo trạng. Theo đó ngày 31/10/2008, dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Ông Bằng làm chủ nhiệm dự án. Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) là một trong những nhà thầu tham gia tư vấn kỹ thuật.
Cáo trạng xác định, trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng với nhà thầu, ông Bằng đã nêu khó khăn của RPMU và đề nghị JTC hỗ trợ kinh phí. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, ông Bằng cùng các bị can Duy, Thái… nhận từ JTC khoảng 11 tỷ đồng.
Bị cáo Lục (đứng) và các bị cáo trong vụ án. Ảnh chụp qua màn hình.
Quá trình điều tra xác định việc nhận tiền, sử dụng đều được Bằng báo cáo với giám đốc RPMU qua các thời kỳ gồm Trần Văn Lục (1999-2009), Trần Quốc Đông (2009-6/2011) và Nguyễn Văn Hiếu (từ 2011). Biết việc làm trên là trái pháp luật nhưng các ông này "không chỉ đạo chấm dứt việc tiếp nhận và sử dụng". Bị can Đông 2 lần nhận phong bì 30 triệu đồng, bị can Hiếu nhận 50 triệu đồng, bị can Lục nhận 100 triệu đồng quà biếu Tết của Bằng, khoản này được lấy từ tiền do JTC đưa.
9h50 trong phần thẩm vấn, bị xác định là bị cáo chủ mưu, Phạm Hải Bằng khai tuyến đường sắt đô thị dài 28km từ Yên Viên đến Ngọc Hồi có tổng giá trị hợp đồng tuyến 01 khoảng 320 tỷ đồng. Ngay sau khi dự án được triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu dự đoán có những khó khăn, có những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Tổng Công ty đường sắt nên phải báo cáo cấp trên. Chính vì vậy phát sinh phụ lục hợp đồng 01, điều chỉnh giá trị tăng thêm gần 8% - tương ứng với hơn 84 tỷ đồng.
Dù tòa hỏi nhiều lần, bị cáo Bằng một mực phủ nhận "chưa bao giờ bình bày khó khăn để nhận tiền từ JTC" như cáo trạng quy kết. HĐXX ngay sau đó công bố lời khai một nghi can là người của JTC theo điều tra của phía Nhật Bản với nội dung: “Tôi cho rằng nếu không đưa tiền thì khó có thể tham gia đàm phán với RPMU hoặc sẽ bị kéo dài. Như vậy chẳng “béo bụng” cho ông Bằng hay sao. Cho dù chi hối lộ cho ông Bằng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho JTC”.
Theo bị cáo Bằng đây là khoản tiền tư vấn, lẽ ra JTC phải thực hiện trong quá trình triển khai dự án song họ không hiểu nhiều về Việt Nam nên bị cáo "thay mặt sử dụng và chi tiêu”. Tuy nhiên, ông Bằng thừa nhận, số tiền này không nằm trong hệ thống Nhà nước quy định nên khi nhận và chi tiêu đã không lưu trong sổ sách. suc khoe doi song
Trong cuộc thẩm vấn cuối buổi sáng bị cáo Thái khai không trực tiếp nhận tiền từ JTC mà qua bị cáo Bằng. “Số tiền được chi tiêu vào hội họp, nghỉ mát, tham quan… là các chi phí chung của Ban quản lý dự án”, bị cáo Thái trình bày. Thời điểm đó bị cáo cho rằng đây là việc làm vì mục đích chung nhưng đến nay mới thấy sai.
Bị cáo Đông khai không lợi dụng chức vụ mưu cầu lợi ích riêng trong vụ này, song có nhận tiền vì nghĩ là "quà Tết" của đối tác.
Chiều nay phiên tòa tiếp tục làm việc. Dự kiến ngày mai sẽ tuyên án.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét